Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm do lạm phát, lãi suất cao

Dữ liệu kinh tế mới cho thấy đà giảm tăng trưởng ở Mỹ và trên toàn cầu, trong lúc giá cả gia tăng cùng lãi suất cao gây tác động tới nhu cầu tiêu dùng, châu Âu bước vào giai đoạn nguy kịch trong cuộc xung đột kinh tế với Nga, trong khi Trung Quốc cũng đối diện nhiều thách thức.

Các hoạt động kinh doanh ở Mỹ và châu Âu đã suy giảm trong tháng 10, theo nghiên cứu mới được công bố hôm đầu tuần này. Đà giảm sâu trong các hoạt động dịch vụ, vốn được xem là động lực thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ đà giảm ở Mỹ.

Ở châu Âu, các hãng sản xuất của Đức đã áp dụng biện pháp cắt giảm sản lượng chưa từng có kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo nghiên cứu của S&P Global. Châu lục này đang chịu tác động hết sức tiêu cực từ quyết định giảm nguồn cung năng lượng của Nga, một biện pháp mà Moscow áp dụng để đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào cuộc chiến ở Ukraine.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có sức bật trở lại trong 3 tháng, kết thúc vào tháng 9, khi sản lượng sản xuất tăng lên nhờ việc gỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại có đà tăng trưởng xuất khẩu chậm, nhu cầu tiêu dùng giảm và đà giảm trong thị trường nhà ở.

“Có nhiều thách thức về đà tăng trưởng trên toàn cầu,” Ryan Wang, chuyên gia kinh tế Mỹ đến từ ngân hàng HSBC, nói.

S&P Global cho hay, chỉ số sản lượng mà họ đưa ra cho Mỹ – bao gồm các hoạt động sản xuất và dịch vụ – đã giảm từ 49,5 trong tháng 9 xuống còn 47,3 trong tháng 10, mức suy giảm lớn thứ hai kể từ năm 2009, chỉ sau giai đoạn đầu 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ số này tụt xuống dưới 50 cho thấy tín hiệu hoạt động kinh tế đang thu hẹp, trong khi trên 50 là tín hiệu tăng trưởng.

Nhiều công ty Mỹ báo cáo rằng đồng USD khỏe mạnh cùng với các điều kiện kinh tế thách thức trong thị trường xuất khẩu đã gây tác động tới nhu cầu của khách hàng nước ngoài, theo S&P Global.

“Đà suy giảm của nền kinh tế Mỹ càng tăng tốc hơn trong tháng 10, trong khi niềm tin vào viễn cảnh tươi sáng cũng giảm đáng kể,” Chris Williamson, trưởng kinh tế gia tại S&P Global, cho hay.

Những nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ và châu Âu cho thấy sức ép lạm phát vẫn cao. Nhiều công ty Mỹ báo cáo về mức tăng chi phí đầu vào trong tháng 10, nguyên nhân là lãi suất cao hơn, thiếu hụt nguồn cung và sức ép về lương.

Sự kết hợp giữa lạm phát cao và đà tăng trưởng thấp đã đẩy các nhà hoạch định chính sách vào vị trí khó đưa ra quyết định, nhưng các ngân hàng trung ương hiện tại đang tiếp tục lựa chọn con đường nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bằng cách giảm đà tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất từ 0,75% lên 1,50% trong cuộc họp hôm thứ Năm. Fed cũng sẽ có cuộc họp vào tuần tới và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Sức tiêu thụ khí đốt ở châu Âu thường tăng đột biến khi mùa Đông sắp tới, và chính quyền nhiều nước đã cảnh báo rằng nếu không cắt giảm đáng kể nhu cầu trong năm nay, họ có thể buộc phải hạn chế phân phối nhiên liệu. Ngay cả khi chưa thực hiện biện pháp này, bất cứ đợt tăng giá năng lượng nào trùng với thời điểm nhu cầu tăng cũng có thể làm suy yếu nền kinh tế khu vực.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của S&P Global đối với khu vực Eurozone – trong đó đo lường các hoạt động ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ – là 47,1 trong tháng 10, giảm từ 48,1 trong tháng 9, đánh dấu mức giảm lần thứ tư liên tiếp.

Trên khắp khu vực Eurozone, ngành sản xuất phải hứng chịu mức suy giảm hoạt động lớn nhất từ trước đến nay, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất và nhựa.

Đức – trung tâm sản xuất chính của châu Âu và từng là một trong những bên nhập khẩu khí đốt nhiều nhất từ Nga – hứng chịu nặng nhất. Chỉ số PMI của họ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, thời điểm mà phần lớn nền kinh tế của họ bị phong tỏa. Pháp, ít phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga hơn, cũng ghi nhận tình trạng trì trệ hoạt động kinh tế.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *